Từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội đã xảy ra không ít vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn. Điển hình như vụ cháy vào tối 28/3 tại ngôi nhà ba tầng trên phố Hồ Ðắc Di (quận Ðống Ða), ngày 29/3 vụ cháy tại phường Phú Lương (quận Hà Ðông) đã thiêu rụi ba cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng, sáng 22/4 một vụ cháy đã xảy ra cháy tại số nhà 47 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm) và vụ cháy nhà nghỉ Hồng Nhung trên địa bàn phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm).
Đặc biệt là vụ hỏa hoạn xảy ra vào trưa 6/5, tại tòa nhà ba tầng của Công ty Song Ngân cho Công ty Biovet thuê làm kho, xưởng sản xuất thuốc thú y (nằm trong Khu công nghiệp Phú Thị - huyện Gia Lâm). Vụ hỏa hoạn đã gây thiệt hại nặng về tài sản và khiến 3 công nhân Công ty Biovet tử vong. Ðiều đáng nói, tòa nhà này đã bị lực lượng chức năng kiểm tra, ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động vì chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn ngang nhiên được cho thuê, sử dụng.
Hiện Hà Nội đang trong mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện tăng rất cao, dễ xảy ra những sự cố chập cháy gây ra những vụ hỏa hoạn lớn. Nhất là việc trên địa bàn Thành phố có hàng nghìn khu nhà xưởng, kho bãi đang hoạt động nhưng phần lớn không đạt yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy hiên ngang mọc trên các khu đất nông nghiệp hay nằm sâu trong các khu đấu giá, tái định đe dọa mất an toàn phòng cháy chữa cháy.
Theo ghi nhận thực tế tại một số quận huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội tập trung nhiều nhà xưởng, nhà kho như quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, huyện Hoài Đức, huyện Thanh Trì…, công tác phòng cháy chữa cháy cũng chưa đạt yêu cầu, mang tính hình thức, thậm chí là vô cùng sơ sài hoặc không đảm bảo.
Có mặt tại tuyến đường K2 (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) nơi tập trung rất nhiều nhà xưởng, nhà kho có diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông. Theo quan sát của PV, hầu hết những nhà xưởng, nhà kho này được làm bằng khung thép, mái tôn xen lẫn khu dân cư để làm nơi lưu giữ, trung chuyển hàng hóa… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Trong các xưởng sản xuất, kho chứa hàng có rất nhiều đồ dễ cháy như giấy, xốp, bao tải nhựa… Tuy nhiên, phần lớn các nhà xưởng, nhà kho ở đây không có hệ thống báo cháy. Ngoài ra, các nhà kho, nhà xưởng vẫn được xây dựng theo kiểu chuồng cọp, một lối thoát duy nhất.
Đặc biệt một số nhà kho, nhà xưởng được xây dựng với kết cấu gạch rất dày, nếu xảy ra cháy, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn để tiếp cận và xử lý ở bên trong. Bác Long, một người dân sống tại khu vực bức xúc, người dân không những nơm nớp lo lắng về nguy cơ cháy nổ luôn thường trực mà ngày ngày phải chịu ô nhiễm tiếng ồn từ hoạt động sản xuất của những nhà xưởng này.
Mặc dù nguy cơ cháy nổ luôn thường trực tại dãy tại tuyến đường K2 (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) đã được người dân cũng như các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh rất nhiều lần nhưng phía UBND phường Cầu Diễn và quận Nam Từ Liêm chưa xử lý dứt điểm khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Hay tại đường Vườn Cam dẫn vào UBND phường Phú Đô vốn nhỏ hẹp, xuống cấp nghiêm trọng nhưng hàng loạt những xưởng xẻ đá, gara ô tô, điểm tập kết phế liệu,... mọc lên khiến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy.
Trước đó, báo Nhà báo & Công luận đã có thông tin phản ánh về những tồn tại trên, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô Nguyễn Phùng Hưng đã ghi nhận và cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm. Tuy nhiên những vi phạm hiện vẫn ngang nhiên tồn tại trong sự “bất lực” của chính quyền sở tại.
Ngày 13/12/2018, một đám cháy bất ngờ bốc lên từ gara ô tô trên đường Lê Quang Đạo, ngay sát trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Bến đỗ xe Mỹ Đình 2 - Trạm đăng kiểm 29-03S. Vụ cháy khiến khu nhà xưởng sửa chữa ô tô rộng cả nghìn m2 lợp mái tôn bị đổ sập, 2 ôtô bên trong cháy trơ khung; nhiều thiết bị sửa chữa và phụ tùng cũng bị thiêu rụi. Nhưng hình như phía UBND phường Phú Đô vẫn đang xem nhẹ công tác phòng cháy chữa cháy cũng như xử lý những vi phạm trên đất nông nghiệp?
Để phòng chống, ngăn ngừa các sự cố cháy nổ, hỏa hoạn trong thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND, triển khai kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố năm 2020. Thời gian kiểm tra từ ngày 1/7 -30/9.
UBND thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra phải đảm bảo tính khách quan, toàn diện, đánh giá đúng thực trạng tình hình, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.
Theo nhiều ý kiến chuyên gia, để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra các chủ cơ sở, doanh nghiệp cần ý thức cao và làm tốt các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy như khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ và bảo vệ điện phải tính toán, thiết kế theo đúng quy định, sử dụng dây dẫn điện đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, thường xuyên và định kỳ kiểm tra bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện;...
Bên cạnh đó, cũng phải thường xuyên giám sát nhắc nhở cán bộ công nhân viên thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Nghiêm cấm các hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (thắp hương thờ cúng, hút thuốc, hóa vàng…) trong các nhà xưởng, kho hàng.
Lực lượng chức năng, chính quyền sở tại cũng cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm những vi phạm tránh trường hợp “phạt cho có, cho tồn tài” để rồi xảy ra những vụ cháy gây thiệt hại lớn như ở Khu công nghiệp Phú Thị (huyện Gia Lâm) vừa qua.
Thế Anh